Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế.
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại;…
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 16 đô thị. Trong đó có 01 đô thị loại II là thành phố Phan Thiết; 01 đô thị loại III (thành phố La Gi); 03 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu); 11 đô thị loại V (Vĩnh Tân, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Đức Tài, Phú Quý).
Thành phố Phan Thiết là đô thị loại II (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì nâng cấp thành đô thị loại I sớm hơn so với mục tiêu, định hướng của Quy hoạch tỉnh đã đề ra).
Thành phố Phan Thiết phát triển trên cơ sở mở rộng không gian về phía Bắc trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và phía Tây trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, bao gồm hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết.
Thị xã La Gi là đô thị loại III trực thuộc tỉnh (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì thực hiện nâng cấp thành đô thị loại II theo quy định hiện hành).
Việc bố trí không gian phát triển mới, phù hợp với các định hướng, mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc: “Một trục động lực - Hai trục liên kết - Ba trung tâm - Ba hành lang phát triển”; tăng cường kết nối tạo động lực cho phát triển tỉnh từ vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, liên kết hoạt động kinh tế - xã hội với các tuyến hành lang kinh tế phía Nam và xa hơn.
Trong đó, một trục động lực: Trục Đông Bắc - Tây Nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và QL1A; kết nối giao thông quan trọng với tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là kết nối với TP.HCM.
Hai trục liên kết nói trên gồm: Trục liên kết du lịch gắn du lịch biển của Bình Thuận với du lịch núi rừng của vùng Tây Nguyên; trục liên kết sản xuất gắn với nguồn tài nguyên khoáng sản, nông lâm sản vùng Tây Nguyên kết hợp với tài nguyên khoáng sản, nông lâm, thủy sản tại chỗ.
Ba trung tâm: Trung tâm tỉnh gồm khu vực thành phố Phan Thiết và phụ cận; Trung tâm phía Nam với hạt nhân là đô thị La Gi; Trung tâm phía Bắc với hạt nhân là đô thị Liên Hương.
Các trung tâm được bố trí kết nối với trục động lực và gắn kết với các chức năng công nghiệp, du lịch và đầu mối giao thông vận tải (cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt và các trung tâm tiếp vận).
Trong ba hành lang phát triển có hành lang phát triển thứ nhất gắn với trục động lực.
Hành lang ven biển cùng với việc hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển kết nối các chức năng: Công nghiệp - du lịch - đô thị - nông nghiệp ven biển là khu vực năng động về phát triển kinh tế theo chủ trương phát triển hướng biển, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng từ biển.
Hành lang hỗ trợ phát triển kết nối các khu vực phía Tây, Tây Bắc, chia sẻ các tiềm năng, tài nguyên, nguồn lực trong việc phát triển, kết hợp với 02 trục liên kết. Tổ chức các đô thị dọc theo các điểm giao cắt giữa hành lang hỗ trợ phát triển và các trục liên kết để hình thành các trung tâm hỗ trợ.
Liên kết không gian vùng huyện, liên huyện theo hướng tổ chức không gian tỉnh gồm 04 vùng.
Trong đó, vùng Trung tâm, bao gồm thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam, huyện đảo Phú Quý. Vùng trung tâm có hạt nhân phát triển là thành phố Phan Thiết, kết nối với không gian các đô thị vệ tinh như Ma Lâm, Thuận Nam.
Vùng Đông Bắc bao gồm huyện Bắc Bình, huyện Tuy Phong. Vùng này có hạt nhân là đô thị Phan Rí Cửa - Liên Hương, bán kính ảnh hưởng 20 - 30 km, kết nối với các đô thị trong vùng là Chợ Lầu, Lương Sơn, Vĩnh Tân.
Vùng Tây Nam bao gồm thị xã La Gi và huyện Hàm Tân. Vùng này có hạt nhân là Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân, đô thị La Gi, bán kính ảnh hưởng 10 - 30 km, kết nối với các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trong vùng.
Vùng Tây Bắc bao gồm huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh. Vùng này có hạt nhân là đô thị Võ Xu bán kính ảnh hưởng 10 km, kết nối với các đô thị trong vùng như thị trấn Lạc Tánh, thị trấn Đức Tài.
Quy hoạch định hướng phương án phát triển hạ tầng xã hội gồm: Hạ tầng giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; hạ tầng khoa học và công nghệ; hạ tầng y tế; hạ tầng các cơ sở trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; hạ tầng văn hóa, thể thao; hạ tầng thương mại, dịch vụ.
Đơn cử, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa tỉnh (đạt chuẩn loại I). Khuyến khích, kêu gọi đầu tư phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập. Xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa.
Xây dựng mới, nâng cấp Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận. Hoàn thành xây dựng công trình Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật Tỉnh; mở rộng và nâng cấp Thư viện Tỉnh; khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ; tiếp tục đầu tư phát triển các công trình, dự án, thiết chế văn hóa ở cấp huyện, xã;...
Quy hoạch cũng định hướng phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm: Mạng lưới giao thông; năng lượng, cấp điện; thủy lợi, cấp, thoát nước; xử lý chất thải; thông tin và truyền thông; phòng cháy, chữa cháy.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết nhiều dự án dự kiến ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh gồm: các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, cấp điện; 31 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 10 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 28 dự án thuộc lĩnh vực du lịch;...
Trong khuôn khổ sự kiện công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 doanh nghiệp và trao Bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 08 doanh nghiệp để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Trong đó các dự án quy mô lớn sắp được trao Bản ghi nhớ đăng ký đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Kiến Phát thực hiện dự án Khu đô thị du lịch, nghệ thuật, văn hóa và thể thao, diện tích sử dụng đất 45 ha và tổng vốn đầu tư 1.850 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp.) thực hiện dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hàm Tân - La Gi, diện tích sử dụng đất 5.000 ha và tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng;...
|
@cafeland.vn